Giữa thế kỷ 21 hiện đại, khi mà hình thức giao dịch thông dụng được thực hiện chủ yếu bằng những tờ ngân phiếu, những tờ giấy bạc polymer thì chúng ta lại có dịp được tận mục sở thị một kho cổ vật quý giá – những đồng tiền cổ…Không còn chỉ mang ý nghĩa sưu tầm đơn thuần ban đầu, Bảo tàng Tiền tệ là sự hiện diện một góc cuộc sống, lột tả chân thực bức tranh thịnh suy của nền kinh tế hay văn hóa giao thương một thời kỳ, một triều đại. Với tính chất lưu giữ và chứa đựng, phản ánh tinh thần thời đại, mỗi đồng tiền cổ đều chứa đựng trong đó giá trị lịch sử, hồn cốt dân tộc, đất nước.
Kỷ lục tiền cổ
Choáng ngợp! Có lẽ đó là cảm giác đầu tiên của bất kỳ ai ghé thăm bảo tàng có dịp chiêm ngưỡng một khối tài sản “cổ” khổng lồ và hết sức phong phú – mười tấn ba tạ tiền kim loại – đã được Liên minh kỷ lục thế giới xác nhận: Đơn vị sở hữu tiền cổ Việt Nam và thế giới lớn nhất!
Những đồng tiền xu bằng đồng, có lỗ nhỏ ở giữa với đủ loại hình dạng, kích thước đựng đầy trên những lu, khạp, ché, mâm,… hay bày trang trọng trong những tủ kích. Có những khối tiền đã han gỉ dính chặt vào nhau nhưng cũng có rất nhiều đồng tiền rời. Những xâu tiền cổ khoanh thành nhiều vòng tròn trên mâm, vun cao như những con trường xà rất ấn tượng…
Không chỉ ấn tượng bởi khối lượng tiền cổ mà bảo tàng còn khiến người xem khâm phục bởi sự phong phú của các loại tiền. Theo ông Nguyễn Ngọc Khôi – Giám đốc Bảo tàng: hiện bảo tàng đã sưu tầm được tất cả tiền kim loại của các triều đại phong kiến ở Việt Nam từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Mạc, Hồ, Tây Sơn, Nguyễn… Ngoài ra, bảo tàng còn sở hữu tiền kim loại (và tiền giấy) của 185 nước trên thế giới…
Thật khó có thể hình dung, giữa thời đại hôm nay, chúng ta lại được thưởng thức những kỹ thuật điêu khắc từ những đồng tiền có niên đại hàng nghìn năm. Như đồng Thái Bình hưng bảo (nhà Đinh); Thiên Phúc trân bảo (nhà Tiền Lê); Thuận Thiên đại bảo, Minh Đạo nguyên bảo, Thiên Cảm nguyên bảo… (nhà Lý); Kiến Trung thông bảo, Chính Bình thông bảo, Nguyên Phong thông bảo, Thiệu Long thông bảo, Đại Trị thông bảo… (nhà Trần); Thành Nguyên thông bảo, Thiệu Nguyên thông bảo (nhà Hồ); Thuận Thiên nguyên bảo, Thiệu Bình thông bảo, Bảo Đại thông bảo,… (Lê sơ); Minh Đức thông bảo, Đại Chính thông bảo, Quang Hòa thông bảo, Nguyên Hòa thông bảo… (nhà Mạc); Vĩnh Thịnh thông bảo, Vĩnh Thọ thông bảo, Bảo Thái thông bảo và các loại tiền Cảnh Hưng… (Lê Trung hưng); Thái Đức thông bảo, Minh Đức thông bảo, Quang Trung thông bảo… (Tây Sơn); Gia Long thông bảo, Minh Mệnh thông bảo, Tự Đức thông bảo, Hàm Nghi thông bảo, Đồng Khánh thông bảo, Thánh Thái thông bảo, Duy Tân thông bảo, Khải Định thông bảo, Bảo Đại thông bảo… (nhà Nguyễn). Trong đó, có những đồng tiền rất quý như: Thuận Thiên đại bảo (thời Lê sơ), Thiên Cảm nguyên bảo (thời Lý, sau lưng có chữ “Càn vương”, ở Việt Nam hiện chỉ có ba đồng) theo ông Khôi, có giá trị đến 20 ngàn USD, đồng Nguyên Phong thông bảo (thời Trần, có nét hất kiểu đuôi ngựa) có giá tới 20.000 USD, đồng Cảnh Thịnh thông bảo đại tiền (thời Tây Sơn đúc bằng vàng)… Và ngay cả với những đồng tiền cổ sưu tầm được của nước ngoài, bảo tàng đang lưu giữ những đồng tiền cổ Trung Quốc có tuổi hơn 2.000 năm, đủ các loại Đao tiền, Ngũ thù… Hay có những đồng tiền độc đáo như đồng tiền “Phong hoa tuyết nguyệt” của Hoàng đế nhà Tần, tương truyền dùng để thưởng cho các quan có công để đi lầu xanh “vui vẻ”…
Tọa lạc tại số 268, tổ 2, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội, tính đến thời điểm này, đây là bảo tàng Tiền tệ đầu tiên và duy nhất có ở Việt Nam. Nó đã và sẽ là nơi để chúng ta có thể cảm nhận cái quý của những đồng tiền nhỏ bé bằng đồng, chiêm ngưỡng mỹ thuật phong phú tinh xảo trên các loại tiền vàng bạc của triều Nguyễn, và cũng thấy cái độc đáo vô song của “tiền Tài chính” đương đại… Tất cả đều mang bản sắc văn hóa Việt Nam, cần phải giữ gìn!
Và tâm tư… cổ vật
Mỗi nét trạm khắc, mỗi độ vuông tròn, mỗi độ nặng nhẹ… của đồng tiền cổ tưởng như vô tình, nhưng nó lại ngầm chứa đựng trong đó tư tưởng, thể hiện những bước đường phát triển giao thương của từng thời kỳ. Có giá trị hay không giá trị nó phụ thuộc phần lớn vào giá trị lịch sử của đồng tiền, gắn với từng thời đại phát triển của đồng tiền. Và bất kỳ đồng tiền đã qua sử dụng nào của Việt Nam hay của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Nó đều phản ánh thịnh suy của nền kinh tế hay văn hóa giao thương của thời kỳ đồng tiền đó ra đời và có giá trị là Vô Giá.
Không phải ngẫu nhiên, đồng tiền thời Tây Sơn, ngoài yếu tố “tiền tệ” nó còn gắn với nghệ thuật quân sự…. Đồng tiền nhà Đinh, tuy hình thức có phần xù xì, đồng còn nhiều tạp chất nhưng nó lại chứa đựng hàm ý khẳng định chủ quyền đất nước – lần đầu tiên đất nước có tiền riêng của mình. Lịch sử cũng còn ghi lại, khoảng giữa thế kỷ 18, khi đặc phái viên của Công ty Đông Ấn (Pháp) đến Phú Xuân xin chúa Nguyễn cho lưu hành đồng bạc phương tây, chúa đồng ý và bắt đóng dấu “thông bảo” trên từng đồng tiền ấy xem như đã xét duyệt…
Lấy ví dụ để thấy – đấy là lịch sử, là văn hóa, là giá trị vô giá và đấy cũng là mong muốn của người – ông Nguyễn Ngọc Khôi đã hơn 40 miệt mài với những đam mê sưu tầm tiền cổ. Dày công xây dựng bảo tàng, người trí thức – doanh nhân – cựu chiến binh ấy mong mỏi, bảo tàng sẽ là nơi giáo dục lịch sử dân tộc cho các thế hệ trẻ, thấy được truyền thống và tinh thần của cha ông qua mỗi thời kỳ lịch sử, sự thịnh suy của mỗi vương triều… qua những đồng tiền cổ.
Bảo tàng Tiền tệ như một góc thu nhỏ qua các thời kỳ được tái hiện bằng những cổ vật. Hi vọng rằng cùng với hệ thống bảo tàng cả nước, bảo tàng Tiền tệ sẽ góp phần tạo lên một bức tranh toàn diện phản ánh đa chiều mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, qua đó giáo dục thế hệ trẻ lịch sử, truyền thống dân tộc.
Nguồn: Sưu tầm internet.