Giới thiệu về chùa Hưng Ký
Chùa Hưng Ký là ngôi chùa cổ nằm tại ngõ Hưng Ký, phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Trước đây vùng này là địa phận làng Hoàng Mai thuộc thôn Đoài. Chùa còn có tên chữ là Vũ Hưng tự, hiệu là Võ Hưng Truyền Am.
Chùa Hưng Ký được đánh giá là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo được xuất hiện vào cuối vương triều Nguyễn. Nét nổi bật của chùa mà không đâu có được chính là việc sử dụng nhuần nhuyễn lối trang trí bằng các vật liệu xây dựng hiện đại như gốm, sứ kết hợp với phong cách kiến trúc cổ truyền. Từ đó tạo nên ngôi chùa mang kiến trúc có một không hai trong lịch sử kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Đến năm 1992, ngôi chùa này đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng bảo tồn và hiện nay, chùa do Ni sư Thích Từ Ân trụ trì.
Lịch sử hình thành và phát triển
Tương truyền, vào năm Bảo Đại thứ tám tức năm 1932, một tín đồ Phật giáo tên là Trần Văn Thành (tức Hưng Ký) đã cho khởi công xây dựng chùa trên khuôn viên rộng 3.000m². Vốn là một nhà tư sản dân tộc chuyên sản xuất gạch, ông đã xây chùa bằng những nguyên liệu gốm sứ độc nhất vô nhị khác hẳn với những ngôi chùa khác.
Xem thêm:
Theo đó, hầu hết các hạng mục kiến trúc của chùa từ cổng tam quan, tòa Tam bảo, Phật điện hay nhà tổ đều được trang hoàng bởi những bức cuốn bằng gốm sứ. Đồng thời bề mặt kiến trúc cũng được tạc khắc hoa văn tinh xảo còn mãi với thời gian. Người dân cũng đặt tên chùa là chùa Hưng Ký theo tên của người đã tạo dựng lên chùa.
Trải qua hơn 80 năm tồn tại, chùa Hưng Ký vẫn giữ được kiến trúc gốm sứ độc đáo không đâu có được. Công trình Phật giáo này được ví như một bông hoa quý trải bao bão tố vẫn ngan ngát sắc hương giữa lòng thành phố.
Tìm hiểu về kiến trúc gồm sứ độc đáo có một không hai
Chùa Hưng Ký đặc biệt nhất có lẽ bởi chính kiến trúc của chùa. Cổng tam quan thiết kế theo kiến trúc hai tầng 8 mái với tầng trên là gác chuông. Cổng chính giữa gồm tứ trụ được chạm chim phượng, lồng đèn và đắp tứ linh. Trong khi đó, hai mặt ngoài cổng phụ được đắp phù điêu hình voi ngựa. Phần góc mái hất lên đều được chạm hình rồng chầu nguyệt tinh tế.
Đặc biệt, tại các mặt trụ tại cổng chùa đều có những câu đối chữ Hán, chữ Nôm bằng sứ tráng men vô cùng độc đáo.
Đứng thử trông đất lành chim đậu, vui vẻ nhất Long đô, có phải Kẻ Mơ miền lạc thổ,
Gặp đương buổi sông lở cát bay mù mịt trong thế giới đâu bằng cửa Phật chốn danh lam.
Đi qua cổng chùa là tới khoảng sân rộng dẫn tới tòa Tam bảo. Tam bảo chùa Hưng Ký có dạng chữ Đinh với ba gian Tiền Đường, Thiêu Hương và Thượng Điện. Phần mái được lợp ngói ống, đầu gắn chữ “Thọ”, trên nóc có bày chính giữa một chiếc nậm đựng nước cam lồ. Tại phần cổ diêm trang trí các đề tài trong truyện Tây Du Ký miêu tả 81 khổ nạn của thầy trò Đường Tăng trên đường đi Tây Trúc lấy kinh.
Bước tới bậc thềm, ta sẽ thấy rõ hơn toàn bộ cột kèo, quá giang, xà đều được bằng bê tông cốt thép, phía ngoài tráng lớp granito màu hồng nhạt. Tại hai gian đầu hồi khắc họa hai tòa Thập điện Diêm vương miêu tả chân thực và sống động cảnh sắc trần gian và ngục tối. Mỗi bên động có 5 vị Diêm vương, 2 vị Thiên vương và nhiều tượng khác. Tác phẩm này do một nghệ nhân có tay nghề của làng Bát Tràng nặn bằng đất, quét màu, tráng men rồi đem nung.
Bên trong tòa Tam bảo được bài trí tượng Phật tổ và Mẫu Liễu Hạnh. Chính giữa Phật điện là pho tượng Phật A Di Đà trong tư thế thiền định theo lối kiết già. Bức tượng này cao tới 3,86m với phần bệ cao 1,3m, được đánh giá là pho tượng lớn và đồ sộ nhất.
Trước tượng A Di Đà là tượng đức Di Lặc – Phật vị lai thay thế Thích Ca cai quản chúng sinh. Tượng Di Lặc được tạc ở tư thế ngồi, bụng phệ, khuôn mặt đầy đặn, miệng cười lớn.
Phía trước Phật điện đặt tượng đức Quan Âm và Đại Thế Chí Bồ Tát (A Di Đà tam tôn). Tượng Quan Âm đầu đội mũ pháp sư, mình quấn cà sa đứng ở tư thế giơ tay trong khi tượng Đại Thế Chí tay cầm bình nước cam lồ. Hai pho tượng này tạc bằng gỗ cao 3,3m, đứng trên tòa sen đặt trên bệ gạch cao 0,56m.
Nhà bia nằm phía sau Phật điện với kiến trúc hình vuông với tứ trụ cùng hai tầng mái. Giữa nhà là tấm bia tạo bằng đá liền khối, vuông 1,1m, cao 2,7m.
Văn bia chùa Hưng Ký do cư sĩ Lã Nam Mai soạn năm 1933, viết rằng:
Bên Long Thành dựng ngôi chùa
Nào Tiên nào Phật điểm tô muôn màu
Việc thần đạo nói bàn sao xiết
Phía Hà Thành tô nét tài hoa
Danh lam do Bắc Kỳ ta
Thực là bậc nhất thuyền gia lâu dài.
Quần thể di tích chùa Hưng Ký còn bao gồm đình Tam Thánh và điện Mai Sau nằm tại khuôn viên chùa. Điện Mai Sau có tiền tế, thiêu hương, cung cấm, ngũ môn.Tại đây trang trí các bức tranh đắp bằng sứ màu như Bát tiên Nam Hải, tích chuyện Liễu Hạnh quy Phật, tượng bà Quế Nương, bà Nhị Nương, Thánh Thiên… Sân điện có bể nước và non bộ.
Chùa Hưng Ký ngày nay còn lưu giữ hầu như nguyên vẹn số lượng lớn gốm men nhiều màu đã gắn, ốp trên các cấu kiện của kiến trúc chốn Phật giáo linh thiêng. Ngôi chùa này là minh chứng cho tài nghệ của các nghệ nhân Việt Nam đầu thế kỷ XX khiến. Ngoài ra, tại chùa có bảo quản một bộ xương cụ rùa Hồ Gươm với một vết thương lớn ở trên mai.
Kinh nghiệm tham quan vãn cảnh chùa Hưng Ký
Những lưu ý khi đến chùa Hưng Ký
Tuy là một ngôi chùa có lịch sử không lâu đời như những ngôi chùa khác, chùa Hưng Ký Minh Khai lại có sức thu hút đặc biệt với du khách và Phật tử gần xa bởi nghệ thuật kiến trúc rất phong phú và đa dạng. Bởi vậy, không chỉ dịp lễ tết, rằm, những ngày hội Phật giáo mà còn trong cả ngày thường, chùa cũng đón tiếp rất nhiều du khách tới chiêm ngưỡng kiến trúc cổ xưa, vãn cảnh và lễ bái các vị chư Phật cùng lòng hướng thiện tới cầu bình an, sức khỏe.
Tới chùa Hưng Ký lễ bái, mọi người nên ăn mặc lịch sự, không hở hang, Nên đi giày hoặc dép đế thấp để thuận lợi di chuyển. Ngoài ra bạn cũng nên chuẩn bị tiền lẻ và sắm sửa lễ vật thành tâm để bái yết nơi cửa chùa. Cũng như những ngôi chùa khác, con hương đệ tử đến chùa không cần sắm sửa lễ vật mâm cao cỗ đầy mà chỉ cần đơn giản nhưng thành tâm là đủ. Ta chỉ nên dâng đặt hương án Phật những đồ chay, tịnh như hương hoa, quả tươi chín, trầu cau, xôi chè hay phẩm oản. Nếu lễ đền Mẫu, Thánh ta có thể sắm lễ vật chay mặn tùy tâm nhưng đồ mặn nên là những thức đồ đơn giản như gà, giò.
Trong những vật lễ dâng lên hương án nhà chùa, Oản Tài Lộc là Ngọc thực được nhiều người lựa chọn để thêm phần trang trọng, linh thiêng và chỉn chu. Oản Tài Lộc cô Tâm là vật lễ thiết kế độc lạ, ý nghĩa, có thể trưng lễ trong thời gian dài mà không bị hỏng, mốc.
Với sự am hiểu về những tín ngưỡng tâm linh linh thiêng, các nghệ nhân tại Oản Cô Tâm đã nghiên cứu và cải tiến thiết kế tạo nên những tác phẩm Oản Tài Lộc lễ Phật nhiều kích cỡ lựa chọn với mức giá vô cùng phải chăng.
Vị trí và cách di chuyển tới chùa
Chùa Hưng Ký nằm tại gần cuối ngõ Hưng Ký, phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Vị trí này cách trung tâm thành phố khoảng 5km. Nếu đi từ hồ Gươm, du khách đi về phía chợ Mơ, rẽ trái về phố Minh Khai đến số nhà 228 là tới ngõ Hưng Ký. Đi vào ngõ thêm khoảng 300m là đến chùa.
Do nằm trong ngõ nên du khách sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển thì hãy gửi xe ở ngoài rồi đi bộ vào chùa. Hoặc có thể sử dụng phương tiện xe bus để tới chùa cũng rất thuận lợi. Đến chùa Hưng Ký, du khách có thể tham khảo lộ trình các tuyến xe bus đi qua như xe 03B, 19, 24, 38, 52A, 52B.
Nguồn: Sưu tầm internet.