VIETNAM DESTINATIONS > Destination > Chùa Trầm – Hà Nội

Du lịch Chùa Trầm - Hà Nội

Chùa Trầm là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng cách Hà Nội khoảng 24 km. Đây là nơi thu hút rất đông du khách tới tham quan và vãn cảnh dịp cuối tuần. Quần thể di tích chùa Trầm có lịch sử lâu đời, do Tướng quân Trần Văn Tăng khởi dựng từ khoảng đầu thế kỷ 16 (1515). Hiện nay khu di tích tâm linh này thuộc quyền quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Qua tháp môn vào chùa Trầm (Ảnh: ST)

1. Trầm Sơn Tử – Chùa chính

Khuôn viên chùa chính rộng rãi và thoáng mát, có tường gạch xây bao lơn xung quanh. Qua cổng vào sân, nhìn sang bên trái là Trầm Sơn Tử. Tổng thể ngôi chùa tọa lạc trên một khoảnh đất cao, từ dưới sân nhìn lên nền chùa cao quá đầu người. Chùa được xây lưng tựa núi Trầm, mặt hướng sông Đáy. Đây là lối xây dựng phong thủy quen thuộc trong tín ngưỡng người Việt, có sông có núi, sông mang đến nguồn nước, mà nước được ví như đem đến phúc lành (nhưng phải đặt đúng hướng, đúng vị trí).

Trầm Tử Sơn (Ảnh: ST)

Ngôi chùa tọa lạc trên một khoảnh đất cao (Ảnh: ST)

Am thờ bên ngoài sân chùa (Ảnh: ST)

Tam bảo thờ Phật (Ảnh: ST)

Chùa được xây dựa vào chân núi (Ảnh: ST)

Nếu bạn để ý trong tổng thể khuôn viên các đình, chùa, hoặc nơi thờ cúng tâm linh khác, người xưa đều chủ tâm bố trí một ao sen hoặc một hồ bán nguyệt chính trước cửa đình, chùa đó. Hồ nước được người xưa xem như điểm tụ thủy đem lại phúc lộc, đem lại cuộc sống đủ đầy, mùa màng thuận lợi cho nhân dân. Có thêm thế lưng tựa núi là trọn vẹn thế “núi ôm nước bọc”, đem lại cảm giác vững chắc, khí vượng, tụ sức sống.

Nhìn sông tựa núi (Ảnh: ST)

Bước qua lớp bậc đá đầu tiên bạn mới lên tới sân của chùa chính, sân lát gạch đỏ trang trí cây cảnh hai bên. Lên bậc tam cấp bước vào nhà Trung điện 5 gian mái ngói, hàng cột hiên được dựng bằng đá vô cùng vững chắc. Nhìn từ xa ngôi chùa nằm thu mình bên cạnh núi, cảm giác như nhỏ bé nhưng kết cấu “thượng thu hạ thách” lại vững như bàn thạch. Đi tiếp vào bên trong là Thượng điện và Hậu cung. Hậu cung là nơi tôn nghiêm người ngoài không được phép tự ý vào. Thường chỉ những ngày mùng Một, Rằm, lễ tết sư thầy mới mở cửa Hậu cung để vào bao sái, quen dọn, thực hành cúng lễ.

Sân chùa lát gạch đỏ (Ảnh: ST)

Bên trong chùa có nhiều đồ thờ quý giá, cũng như các lối kiến trúc độc đáo với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo trên cửa, trên bức khảm. Ngoài ra còn có nhiều di vật đặc trưng như: Các cặp câu đối, hoành phi sơn son thiếp vàng, án thờ, ngai thờ, tượng phật …  

2. Động Long Tiên – Chùa Hang

Chùa Hang nằm ngay cạnh chùa chính, tận dụng địa hình tự nhiên dưới chân núi Trầm có một hang lớn cửa vào rộng khoảng 7 m, cao khoảng 3 m. Sâu bên trong có thờ tượng phật, bên trên cách vách đá khắc các bài thơ chữ nho. Khi vào sâu trong hang bạn như bước vào một thế giới khác, không gian vô cùng mát lạnh, đang đi ngoài trời nóng bức mà bước vào hang bạn sẽ có cảm giác như được đắm mình vào một phòng điều hòa tự nhiên.

Cửa vào động Long Tiên (Ảnh: ST)

Các bài kệ bằng chữ nho khắc trên vách đá (Ảnh: ST)

Thông với nóc hang chính là đỉnh của núi đá có độ cao khoảng 30 – 40 m. Đứng trong hang ngước nhìn lên cảm giác như một giếng trời nhỏ với những dòng nước men theo vách đá chảy xuống tạo nên các khối thạch nhũ. Trong hang cũng có hệ thống rãnh thoát nước, tuy nhiên vẫn có một bể nước tự nhiên khá lớn tích nước chảy xuống, khó có thể mô tả được sự hấp dẫn của dòng nước nơi đây, trong, mát, tinh khiết …

Nóc hang động thông bên ngoài (Ảnh: ST)

Thạch nhũ hình thành dưới dòng nước từ vách đá chảy xuống (Ảnh: ST)

Trước kia nguồn ánh sáng duy nhất của động Long Tiên là từ ô giếng trời trên nóc, muốn nhìn rõ đường đi, đồ vật trong hang phải mang theo đèn pin hoặc thuê đèn pin bên ngoài. Gần đây ban quản lý đã tu sửa và lắp têm hệ thống đèn chiếu sáng phục vụ khách tham quan cũng như công tác trông nom bảo tồn.

Hệ thống chiếu sáng (Ảnh: ST)

Động Long Tiên có khá nhiều tượng phật, ngoài ra còn có các hình phật khắc nổi trên cách vách đá, phía ngoài của hang bên trái đặt một chiếc khánh đồng, một chiếc chuông đồng kích thước tầm trung, cùng một số hình nhân cầm giáo mác được tạc bằng đá. Tuy là một động nhỏ nhưng chắc chắn Long Tiên sẽ đem đến cho bạn nhiều khám phá thú vị và cảm giác không khí tinh khôi khó quên.

Hàng tượng đá bên trong động (Ảnh: ST)

Khánh băng đồng (Ảnh: ST)

Chuông đồng (Ảnh: ST)

Đây còn là nơi ghi dấu lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc và phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến lay động lòng dân năm 1946.

Chùa Hang còn là nơi Bác từng làm việc (Ảnh: ST)

3. Chùa Vi Vô

Từ chùa chính đi ngược lên phía trên khoảng 800 m là chùa Vi Vô, một ngôi chùa thuộc quần thể di tích chùa Trầm. Chùa Vi Vô nằm trên một núi đá nhỏ, từ dưới đi lên chùa vượt qua hoen 100 bậc đá. Không gian khu vực này thoáng mát, bên cạnh là đồng ruộng và có rất nhiều hồ ao.

Lối lên chùa Vi Vô (Ảnh: ST)

Đến với quần thể chùa Trầm bạn không chỉ được thỏa mãn niềm vui tâm linh mà còn được mãn nhãn với phong cảnh đặc sắc nơi đây. Sau khi tham quan hết các chùa, hang động bạn có thể thử sức leo núi đá. Có hai lối leo chính, một lối nằm cạnh hang Long Tiên, địa thế khá dốc, bạn phải leo lên các vỉa đá, vượt qua các bụi cây um tùm mới lên tới đỉnh. Đi lối này dành cho nhưng ai ưa thích mạo hiểm. Hai là bạn vòng ra ngoài đường cái đi theo lối mòn sau chùa chính để lên núi Trầm. Toàn bộ núi Trầm là một khối đá lớn, có những chỗ nhô lên đá tai mèo khá là kỳ thú, tất nhiên bạn nên cẩn thận trong từng bước chân để lên núi an toàn.

Len chân giữa núi đá (Ảnh: ST)

Lối mòn lên núi Trầm (Ảnh: ST)

Khu vực núi Trầm là nơi dã ngoại nổi tiếng của các bạn trẻ vào ngày cuối tuần. Đứng trên núi không gian như được thu gọn trong tầm mắt của bạn, xa xa là những cánh đồng xanh rì, những ao cá đậm chất thôn quê. Nhìn xa sang phía Nam có một dãy núi nhỏ là nơi có di tích chùa Trăm Gian.

Địa điểm dã ngoại cuối tuần (Ảnh: ST)

Cắm trại qua đêm ở núi Trầm (Ảnh: ST)

Địa điểm check in của các bạn trẻ (Ảnh: ST)

Xung quanh núi Trầm có khá nhiều các núi đá khác, nhưng do người dân làm nghề nên đá tự nhiên bị khai thác gần hết. Có những mỏm núi trên đỉnh có xây lô cốt đá, nhưng người dân khai thác đá hết chân núi còn trơ riêng lô cốt đá chênh vênh giữa trời.

Vách đá đồ sộ (Ảnh: ST)

4. Lễ Hội chùa Trầm

Lễ hội chùa Trầm diễn ra từ ngày 2/2 Âm lịch, du khách thập phương có thể về tham dự lễ hội vãn cảnh, chiêm bái đức phật trong không gian tươi mới của mùa xuân. Đặc biệt vào độ tháng 3 Âm lịch bạn sẽ được ngắm nhìn sắc đỏ rực quanh núi Trầm của hoa gạo. Đắm chìm trong sắc xuân đầy sức sống.

Vãn cảnh mùa xuân (Ảnh: ST)

Hoa gạo nở rực một góc trời (Ảnh: ST)

Sắc hoa tô thêm sức sống cho cảnh vật (Ảnh: ST)

Trong dịp lễ hội chùa Trầm có nhiều trò chơi đậm chất văn hóa Việt được tổ chức: đấu vật, chọi gà, cờ người, đá bóng, đi cầu tre …

Trò chơi chọi gà kịch tính (Ảnh: ST)

Giải bóng đá mùa lễ hội (Ảnh: ST)

Bên ngoài diễn ra các hoạt động của phần hội, bên trong các nghi lễ vẫn được cử hành theo trình tự. Đầu xuân đi lễ chùa Trầm cầu sức khỏe, bình an, công danh thuận lợi.

Các nghi lễ diễn ra trong khuôn viên ngôi chùa (Ảnh: ST)

Hi vọng bài viết cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích về địa điểm chùa Trầm, cũng như giải thích vì sao ngôi chùa thu hút nhiều bạn trẻ. Chúc bạn có những chuyến du lịch văn hóa tâm linh ý nghĩa và vui vẻ.

vietnam-destinations.com | Khám phá Việt Nam

Nguồn: Sưu tầm internet.