VIETNAM DESTINATIONS > Destination > Khu di tích Lam Kinh

Du lịch Khu di tích Lam Kinh

Thị trấn Lam Sơn, Huyện Thọ Xuân, Tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam

Lam Kinh là khu di tích Quốc gia có lịch sử hàng trăm năm với kiến trúc triều đình độc đáo. Tưởng chừng là một cố đô đã bị lãng quên nhưng giờ đây Lam Kinh nổi lên là khu du lịch tâm linh chứa đựng nhiều câu chuyện truyền thuyết huyền bí.

Lam KinhLam Kinh – cố đô cổ xưa ở Thanh Hóa (Ảnh: VnExpress)

Lam Kinh là địa điểm du lịch Thanh Hóa nổi tiếng dành cho những bạn yêu thích lịch sử và muốn khám phá những điều cổ xưa. Được xem là di tích lịch sử với nhiều điều thú vị của triều đại hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, cố đô Lam Kinh hứa hẹn mang đến cho bạn những trải nghiệm khó quên.

1. Lam Kinh ở đâu?

Lam Kinh là cố đô cổ xưa được vua Lê Lợi xây dựng từ năm 1428, khởi đầu cho chiến thắng chống quân Minh xâm lược. Nơi đây được xây dựng như một kinh thành ở quê hương của nhà vua với mục đích thờ cúng tổ tiên và để các nhà vua an nghỉ.

Lam KinhKhu di tích lịch sử Lam Kinh thuộc địa phận Thọ Xuân, Thanh Hóa (Ảnh: VnExpress)

Khu di tích lịch sử Lam Kinh còn có tên gọi khác là Đông Kinh, có diện tích rộng khoảng 200ha tọa lạc ở H. Thọ Xuân, T. Thanh Hóa. Không gian nơi đây rộng rãi, thanh bình với cây cối bao quanh nhiều điện miếu, lăng tẩm vô cùng mát mẻ. 

2. Khám phá kiến trúc Lam Kinh cố đô

Là  nổi tiếng, cố đô Lam Kinh thu hút du khách bởi kiến trúc thiết kế vô cùng độc đáo. Nơi đây được xây dựng với các khu vực chính: điện, miếu, lăng mộ và các khu vực dành để tản bộ, thư giãn. 

  • Thành Điện được xây dựng theo lối “tọa sơn hướng thủy”, bao quanh là núi Dầu ở phía Bắc, sông Chu – núi Chúa ở phía Nam, rừng Phú Lâm ở phía Đông và phía Tây là núi Hương – núi Hàm Rồng. Đây chính là tiêu chuẩn vàng trong phong thủy của người Á Đông, giúp cho Lam Kinh luôn thịnh vượng, yên bình.
  • Các khu vực Hoàng Thành, Thái Miếu, Cung Điện được sắp xếp theo hình bàn cờ gồm khu ngọ môn, sân rồng, chính điện, thái miếu…

2.1. Sông Ngọc

Sông Ngọc bắt nguồn từ Tây Hồ, có dòng chảy quanh khu Lam Kinh và là đường dẫn bạn vào kinh thành. Dòng sông có nước trong veo, bạn hoàn toàn có thể “soi gương” hay ngắm nhìn những viên đá tròn dưới đáy.

Lam KinhDòng sông Ngọc chảy quanh Lam Kinh Thọ Xuân (Ảnh: VnExpress)

2.2. Cầu Bạch – Tiên Loan Kiều

Cầu Bạch hay còn gọi là Tiên Loan Kiều được bắc qua sông Ngọc, uốn cong theo kiến trúc “thượng gia hạ kiều” – lối đi chính dẫn du khách tới với Lam Kinh.

Lam KinhCầu Bạch – lối dẫn du khách vào Lam Kinh (Ảnh: VnExpress)

2.3. Giếng Ngọc Lam Kinh

Trên lối vào kinh thành, cách cầu Bạch chừng 50m, bạn sẽ bắt gặp giếng Ngọc – là nơi cung cấp nước cho Lam Kinh. Giếng Ngọc trong xanh và đầy nước quanh năm. Trước đây, giếng được trồng hoa sen, đến mùa nở rất đẹp và thơm.

Lam KinhGiếng Ngọc có làn nước trong xanh (Ảnh: VnExpress)

2.4. Đường vào Chính điện

Chính điện là khu vực có quy mô rộng nhất ở Lam Kinh với kiến trúc làm từ gỗ là chính (có 138 cột, hiện còn 127 chân cột). Để đi vào chính điện, bạn cần di chuyển qua Ngọ môn rộng gần 20m với 3 gian (gian giữa, gian bên và khu nền).

Lam KinhĐường vào chính điện Lam Kinh (Ảnh: VnExpress)

Vào trước Ngọ môn, bạn sẽ nhìn thấy một con nghê đá đứng canh có tuổi đời hàng trăm năm khá cũ nhưng vẫn rất chắc chắn. Đi tiếp vào sân rồng sẽ là lối chính dẫn bạn tới Chính điện, gồm 3 tòa điện cao 1,8m, rộng 38m và sâu tới 46m.

Lối dẫn từ sân rồng lên chính điện còn một thềm lớn có 9 bậc với 3 đường lên được trang trí vô cùng bắt mắt với hình rồng đá tạc tròn uốn khúc như đang bay lượn.

2.5. Thái miếu Lam Kinh

Thái miếu Lam Kinh là khu vực để thờ cúng tổ tiên, các vị vua và hoàng thái hậu của nhà Lê. Nơi đây được xây dựng vô cùng trang nghiêm với 9 tòa kiên cố nằm ngay sau chính điện.

Lam KinhThái miếu Lam Kinh Thanh Hóa (Ảnh: sưu tầm)

2.6. Lăng mộ vua Lê Thái Tổ

Cách điện Lam Kinh 50m là Vĩnh Lăng – lăng mộ vua Lê Thái Tổ được xây dựng trên một nền đất rộng bằng phẳng với phía trước là núi Chúa, phía sau là núi Dầu, bao bọc hai bên là hai dãy núi mang thế “hổ phục rồng chầu”.

Lăng có kích thước 4,4m x 1m được đắp bằng đất và xây chèn đá đục xung quanh. Trước lăng của vua có 2 hàng tượng quan hầu 4 đôi tượng đá đối lập (nghê, ngựa, tê giác, hổ) dựng vững chắc để trấn trạch.

Lam KinhLăng mộ vua Lê Thái Tổ trong cố đô (Ảnh: sưu tầm)

3. Nhà trưng bày cổ vật của Lam Kinh

Sau khi tham quan các điện và lăng mộ, bạn đừng quên ghé qua nhà trưng bày cổ vật để tìm hiểu thêm về lịch sử thời vua Lê và những câu chuyện huyền bí ở đây nhé! 

Trong nhà trưng bày vẫn còn lưu giữ những hiện vật cổ có giá trị văn hóa lịch sử như: ấm chén thời Lê, ấm đồng, bát hương hình sen, gạch trang trí hình lá, đầu đao kìm nóc bằng đất nung, đế móng cầu Bạch. Tất cả vẫn giữ nguyên hình tượng ban đầu và thường xuyên được lau chùi cẩn thận.

Lam KinhNhiều cổ vật xưa vẫn được trưng bày (Ảnh: sưu tầm)

Bên cạnh những cổ vật xưa, Lam Kinh còn thu hút du khách bởi những truyền thuyết ly kỳ. Điển hình là truyền thuyết về cây ổi cười, khi du khách chạm tay và cù nhẹ lên thân cây, toàn bộ cây sẽ rung lắc và tạo nên một cơn gió mạnh tạt qua. Không chỉ vậy, mỗi khi cây ổi “cười” sẽ mang đến một cảm giác nhẹ nhõm, an yên khó tả.

Ngoài ra, câu chuyện cây lim hơn 600 năm tuổi bỗng dưng trút hết lá ngay sau khi dự án phục dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt năm 2010. Lạ thay là tất cả các bộ phận trên cây từ thân, ngọn tới gốc đều có kích thước phù hợp với dự tính phục hồi cho Chính điện. Sự trùng hợp đấy phỏng đoán cây lim đang thực hiện sứ mệnh là xây dựng lại cung điện cho hậu thế.

4. Lễ hội Lam Kinh

Lễ hội Lam Kinh được tổ chức hàng năm vào ngày giỗ của vua Lê Thái Tổ – ngày 22 tháng 8 âm lịch với quy mô hoành tráng. Lễ hội xuất hiện và được tổ chức từ sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà và được chôn cất tại Lam Sơn nhằm tưởng nhớ, tôn vinh vị anh hùng đáng kính của dân tộc.

Lam KinhĐặc sắc lễ hội Lam Kinh (Ảnh: sưu tầm)

Lễ hội Lam Kinh được tổ chức gồm 2 phần: phần lễ và phần hội:

  • Phần lễ được diễn ra theo nghi thức truyền thống, tái hiện lại các hoạt động trong cung điện xưa bao gồm: trống hội, cờ hội, rước kiệu và nghi thức tế lễ.
  • Phần hội là các hoạt động văn nghệ giải trí, trò chơi dân gian, điển hình là tiết mục hội thề Lũng Nhai, Lê Lai cứu chúa, giải phóng thành Đông Quan, Vua Lê Thái Tổ đăng quang, Phát huy hào khí Lam Sơn hay các trò thi đấu vật, đấu võ, diễn chèo….

Lễ hội diễn ra sôi động, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham dự.

 

vietnam-destinations.com | Khám phá Việt Nam

Nguồn: Sưu tầm internet.