VIETNAM DESTINATIONS > Destination > Khu Di Tích Lịch Sử Chiến Thắng Đông Khê

Du lịch Khu Di Tích Lịch Sử Chiến Thắng Đông Khê

Nhắc tới du lịch Cao Bằng, nhiều du khách thường nghĩ đến Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó, thác Bản Giốc – động Ngườm Ngao… nhưng đối với những người yêu thích tìm hiểu về văn hóa, lịch sử hào hùng của dân tộc gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của quân đội nhân dân Việt Nam thì nên dành thêm thời gian ở Cao Bằng để tham quan và tìm hiểu về Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn hiện đại và đưa vào sử dụng từ ngày 19/5/2004

Các địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 cách thành phố Cao Bằng khoảng 40 km (theo hướng quốc lộ 4A từ Cao Bằng đi Lạng Sơn) có 19 điểm di tích được phân bố thành 4 cụm di tích nằm trên địa bàn 3 xã và 1 thị trấn của huyện Thạch An bao gồm: Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Biên giới năm 1950 (xã Đức Long); Cụm di tích cứ điểm Đông Khê (thị trấn Đông Khê); Cụm di tích Khau Luông (xã Đức Xuân); Cụm di tích Cốc Xả – điểm cao 477 (xã Trọng Con). Trong đó, các điểm liên quan đến Chiến dịch Biên giới năm 1950 được phân bố chủ yếu trong Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Biên giới năm 1950 và Cụm di tích cứ điểm Đông Khê.

Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 có giá trị đặc biệt quan trọng gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự trưởng thành, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Với vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử quan trọng của di tích, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của quân và dân Cao Bằng cũng như quân dân cả nước trong việc bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của di tích, ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2082/QĐ-TTg xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950.

Tầm quan trọng đặc biệt của chiến thắng Biên giới năm 1950

Sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông năm 1947, quân và dân ta đã đập tan chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, làm cho cục diện chiến trường giữa ta và địch chuyển sang thế “cầm cự, giằng co”, ta đã từng bước chuyển sang thế phản công.

Ở Đông Dương, quân Pháp ngày càng sa lầy vào cuộc chiến và lâm vào thế phòng ngự bị động. Để có thể cứu vãn tình thế, Chính phủ Pháp lập kế hoạch Rơve để phong tỏa biên giới, dùng quân ngụy làm nhiệm vụ chiếm đóng, tập trung quân Âu – Phi thành lực lượng cơ động thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt”, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Tại Cao Bằng, Pháp tập trung củng cố hệ thống các cứ điểm và đồn bốt quân sự trên Quốc lộ số 4 từ thị xã Cao Bằng đến Đông Khê, Thất Khê, Na Sầm, Lạng Sơn; trong đó Đông Khê là một tiểu khu quan trọng, lá chắn của Cao Bằng.

Về phía ta, cùng với việc tăng cường lực lượng quân sự, mở rộng vùng giải phóng, để tranh thủ sự ủng hộ của các nước dân chủ nhân dân trên thế giới, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đẩy mạnh công tác ngoại giao với phương châm “thêm bạn, bớt thù”.

Đứng trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến thuận lợi, nhằm đưa cuộc kháng chiến tiến lên bước mới, tháng 6/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, lấy tên là “Chiến dịch Lê Hồng Phong II” nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới; mở đường biên giới với các nước xã hội chủ nghĩa phá vỡ thế bao vây của Pháp, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.

Ban Thường vụ Trung ương quyết nghị thành lập Đảng ủy mặt trận có 05 đồng chí: Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Bí thư Đảng ủy mặt trận; đồng chí Trần Đăng Ninh – Ủy viên Trung ương Đảng làm Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp; đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tổng tham mưu trưởng; đồng chí Lê Liêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị; đồng chí Bùi Quang Tạo, Phó Bí thư Liên khu ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc làm Ủy viên.

Cao Bằng được chọn làm chiến trường chính của chiến dịch Biên giới, vì Cao Bằng có đường biên giới chung với tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc, đường giao lưu quốc tế thuận lợi, là đầu mối của những trục đường chiến lược quan trọng, đường số 4 chạy dọc biên thùy Đông Bắc tới miền Duyên hải Vịnh Bắc Bộ. Đường số 3 nối liền Cao Bằng – Bắc Kạn – Thái Nguyên. Hơn nữa người dân Cao Bằng đã được thử thách, tôi luyện trong thời kỳ cách mạng. Đến cuối năm 1949 các địa phương quanh vùng quốc lộ 3 từ Ngân Sơn đến Bắc Kạn và phần lớn các huyện trong tỉnh Cao Bằng được giải phóng.

Với tầm quan trọng của Chiến dịch, từ cuối tháng 8/1950, dù bận nhiều việc hệ trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ tối cao đã lên đường ra mặt trận cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch, động viên quân và dân chiến đấu.

Cụm tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đang quan sát, chỉ đạo mặt trận Đông Khê trên đỉnh núi Báo Đông

Chiến dịch đầu tiên và duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo, động viên quân và dân chiến đấu.

Sáng sớm ngày 16/9/1950, từ vị trí quan sát đặt trên núi Báo Đông, xã Đức Long, huyện Thạch An (cách Đông Khê 11km theo đường chim bay) Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi và chỉ đạo trận đánh cứ điểm Đông Khê – Trận đánh mở màn cho chiến dịch Biên giới 1950. Trong khoảnh khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đang chăm chú quan sát mặt trận từ trên đỉnh núi Báo Đông, nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Năng An đã kịp thời chớp ống kính ghi lại bức ảnh lịch sử “Chủ tịch Hồ Chí Minh đang quan sát mặt trận Đông Khê” với thần thái của vị chỉ huy tối cao ánh trong khói lửa và niềm tin chiến thắng đã được giữ lại cho muôn đời. Đây cũng là chiến dịch đầu tiên và là chiến dịch duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị Tổng tư lệnh tối cao, người cha thân yêu của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo chiến dịch, động viên quân và dân chiến đấu.

Khi quan sát mặt trận Đông Khê trên đỉnh núi Báo Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tức cảnh làm bài thơ “Lên núi” nổi tiếng:

Chống gậy lên non xem trận địa

Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây

Quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu

Thề diệt xâm lăng lũ sói, cầy

Hình ảnh vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc không ngại khó khăn, nguy hiểm ra sát mặt trận để cùng Bộ chỉ huy chỉ đạo cuộc chiến đấu là nguồn sức mạnh động viên tinh thần vô cùng to lớn lan truyền đến toàn thể quân và dân ta. Bác Hồ ra trận là biểu hiện ý chí quyết thắng quân địch cao nhất của Đảng và nhân dân ta. Khắp mặt trận nô nức thi đua giết giặc lập công, đưa chiến dịch đến toàn thắng.

Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Biên giới năm 1950

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới mang ý nghĩa dân tộc và thời đại sâu sắc. Chiến dịch Biên giới năm 1950 là chiến dịch tiến công lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là chiến dịch có tầm quan trọng đặc biệt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chiến dịch Biên giới đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.300 tên địch, giải phóng toàn tuyến biên giới Việt – Trung từ Cao Bằng đến Đình Lập với 35 vạn dân, với diện tích rộng 4.500 km2; chọc thủng “Hành lang Đông – Tây” của Pháp. Thế bao vây của địch cả trong và ngoài đối với căn cứ địa Việt Bắc bị phá vỡ. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa ta và Pháp, tạo bước chuyển biến mới về chiến lược tiến công, phản công, góp phần đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Khi nhìn lại thất bại của nước Pháp ở cuộc chiến tranh Đông Dương, nguyên Toàn quyền Đông Dương Catơru đã chua chát xác nhận: “Sự thất bại của quân đội Pháp tại biên giới Việt – Trung tháng 10/1950 đã có ảnh hưởng quyết định đến số phận của Đông Dương và Điện Biên Phủ sau này đã phải chịu ảnh hưởng đó”.

Thắng lợi của chiến thắng Biên giới năm 1950 chứng minh tính đúng đắn của đường lối chiến tranh “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính” mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra. Bài học về phát huy nội lực, xây dựng lực lượng kháng chiến, xây dựng quân đội để làm nên chiến thắng Chiến dịch Biên giới 1950 vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.

Cụm di tích cứ điểm Đông Khê nằm ngay cạnh đường quốc lộ 4A ở thị trấn Đông Khê

Phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 để phát triển du lịch

Ngày nay, Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 được bảo tồn, gìn giữ là cứ liệu có ý nghĩa cho các thế hệ sau về dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc. Đến thăm di tích, du khách ghé thăm Cụm di tích cứ điểm Đông Khê nằm ngay cạnh đường quốc lộ 4A ở thị trấn Đông Khê, sau đó tiếp tục di chuyển khoảng 17 km đến tham quan Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Biên giới năm 1950 ở xã Đức Long, huyện Thạch An. Tại đây có Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Tư lệnh Quân khu, Quân khu I, Quân khu II và tỉnh Cao Bằng phối hợp xây dựng theo kiến trúc nhà sàn hiện đại và đưa vào sử dụng từ ngày 19/5/2004. Trong đó trưng bày 63 hình ảnh tư liệu liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến dịch Biên giới năm 1950 và một số hiện vật khác như: súng, đạn cối, chảo nấu ăn, sa bàn điện tử…

Tiếp theo hành trình, du khách chinh phục ngọn núi Báo Đông – Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn làm đài quan sát để chỉ huy chiến dịch Biên giới năm xưa. Để được tận mắt chứng kiến và chụp ảnh bên cụm tượng đài Bác Hồ trên núi Báo Đông, du khách phải trải qua 846 bậc đá, được chia thành 79 cung bậc, tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác. Trên cung đường trải nghiệm du khách còn được hòa mình vào không gian yên bình, phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vỹ nơi đây. Và ở dưới chân núi là những công trình đơn sơ của Sở Chỉ huy chiến dịch, Ban tác chiến, Ban Quân báo hội họp bàn trận đánh và các khu tổng đài thông tin liên lạc, khu hậu cần phục vụ chiến dịch Biên giới năm 1950.

Trên cung đường từ thị trấn Đông Khê đến cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Biên giới năm 1950, du khách có thể ghé thăm các bản làng dân tộc tại xã Đức Xuân và xã Lê Lợi, giao lưu và trải nghiệm văn hóa với bà con người Tày, Nùng… khám phá những ngôi nhà sàn, nhà chệt có nét giao thoa giữa hai nền văn hóa Pháp và văn hóa bản địa tạo nên một dạng kiến trúc nhà sàn riêng biệt. Vị trí những ngôi nhà này cách thị trấn Đông Khê khoảng 7km đã được đánh dấu trong bản đồ du lịch của người Pháp nên hàng năm du khách Pháp đến đây tìm hiểu khá nhiều.

Chuẩn bị kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Biên giới năm 1950 (1950-2020), Ban quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục đầu tư tu bổ, tôn tạo để phát huy những giá trị lịch sử, khoa học, văn hóa và thẩm mỹ của di tích nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập và nghiên cứu.

vietnam-destinations.com | Khám phá Việt Nam

Nguồn: Sưu tầm internet.